Làm sao để đọc nhiều hơn khi bận rộn?

1136

Tôi xin mở đầu bài viết ngày hôm nay bằng một câu nói mà tôi vô cùng tâm đắc của tổng thống Barack Obama- một câu nói giản dị nhưng đã khéo léo cho ta thấy được vai trò của việc đọc nếu ta muốn sống một cuộc đời tốt đẹp hơn:

Khi chúng ta thuyết phục một đứa trẻ, bất cứ đứa trẻ nào, bước qua bậc thềm ấy, bậc thềm màu nhiệm dẫn vào thư viện, ta thay đổi cuộc sống của nó mãi mãi, theo cách tốt đẹp hơn.

Đã có quá nhiều bài báo viết về tác dụng của việc đọc, đặc biệt là đọc sách: sách giúp làm đẹp tâm hồn ta, sách giúp ta mở rộng chân trời kiến thức, sách giúp ta kết nối quá khứ, sách là người bạn không bao giờ rời bỏ ta, vân vân và vân vân. Đối với riêng tôi, đọc đơn giản là một niềm vui, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Đọc giống như ăn, uống, thở với tôi vậy!

Nhưng cuộc sống bận rộn với bao nhiêu thứ đan xen, làm sao để có thể đọc được nhiều hơn?.

Tôi đọc nhiều nhất là khi đi du học, và khi còn làm nghiên cứu. Nhưng khi ra khỏi môi trường mà đọc là một phần bắt buộc, tôi nhận thấy mình đã không đọc nhiều như mong muốn (Thật háo hức vì trong một tháng nữa, đọc sẽ lại trở thành một một phần tất yếu trong công việc của tôi!!). Vào một ngày đẹp trời mấy năm trước, tôi quyết định lập kế hoạch để có thể đọc tốt hơn, để biến đọc thành một thói quen hàng ngày. Chỉ có như vậy, sự bận rộn, và xô bồ của cuộc sống hàng ngày mới không kéo tôi khỏi những trang sách được.

Hôm nay tôi xin chia sẻ với bạn đọc blog về quá trình hình thành thói quen đọc của tôi (sách, báo, tạp chí ). Tôi hi vọng, những trải nghiệm của tôi sẽ phần nào có ích cho những bạn ham mê đọc sách nhưng thời gian không phải là một người bạn đồng hành hào phóng.

Để hình thành thói quen đọc cho bản thân, trước hết bạn và tôi hãy suy ngẫm và trả lời hai câu hỏi sau.

Câu hỏi thứ nhất: Bạn đang đọc như thế nào?. Bạn đang đọc một cách chủ động, hay thụ động, bạn đọc theo cảm hứng, hay đã có một số kế hoạch để xây dựng thói quen đọc?. Tôi nhận ra rằng, trước đây tôi đọc sách một cách rất thụ động. Nếu tôi tình cờ thấy một bài báo hay một cuốn sách hay ai đó giới thiệu và chia sẻ, tôi sẽ tìm mua và đọc. Tôi có thể thích những cuốn sách đó và đọc một cách say mê. Nhưng nếu không ai đưa sẵn ý tưởng về các cuốn sách/bài báo cho tôi, có thể nửa tháng qua đi mà tôi không đọc thêm điều gì mới mẻ.

Câu hỏi thứ hai: Bạn đang đọc những gì?. Tôi chia việc đọc thành ba loại: Đọc tin tức, đọc sách văn học, sách khoa học- chuyên ngành.

Sau khi đã trả lời xong hai câu hỏi trên, hãy xem kế hoạch dưới đây của tôi có phù hợp với bạn không nhé.

ĐỌC TIN TỨC MỖI BUỔI SÁNG

Tôi tin rằng, trong một thế giới nhanh, đầy biến động như ngày này, nắm được những gì đang diễn ra trên thế giới và trong nước là vô cùng quan trọng và cần thiết. Vì vậy còn gì tuyệt hơn là dành khoảng 15-30 phút đọc tin tức mỗi buổi sáng. Sau một thời gian dài tập luyện, việc đầu tiên tôi thức dậy mỗi buổi sáng là uống một cốc nước đầy, tập vài động tác thể dục nhẹ nhàng và đọc tin tức. Tôi cho rằng, đọc tin vào buổi sáng không chỉ giúp trí não ta vận động bằng cách tiếp nhận và phân tích những sự kiện đang diễn ra, mà còn khiến ta bớt cảm giác lạc lõng và xa cách với thế giới ngoài kia.

Một số báo tốt để đọc tin tức thế giới: The Economist, The New York Times, The Foreign Affairs. Những báo này bạn cần trải tiền hàng tháng để đọc. Vì thế, nếu khả năng tài chính không cho phép, bạn chỉ cần đặt một báo (tôi khuyên nên chọn The Economist), hoặc bạn có thể đọc những báo không cần trả tiền như The Guardian.

Để tìm hiểu về tin tức đang diễn ra ở Việt Nam, bạn có thể đọc VNexpress, Vietnamnet. Tôi đọc những báo mạng như thế này chủ yếu để biết những gì đang diễn ra. Còn để đọc được những bài phân tích sâu sắc và chất lượng hơn, tôi cho rằng báo Tuổi trẻ là sự lựa chọn đúng đắn. Ngoài ra, các tạp chí nước ngoài trên cũng có nhiều bài phân tích hay về Việt Nam.

Để không bỏ lỡ những sự kiện đang diễn ra, bạn có thể cài phần mềm ứng dụng của những báo này vào ipad hoặc điện thoại, và cài đặt chế độ báo tin mới cho mỗi ứng dụng. Nếu bạn Subscribe tạp chí The Economist, hàng ngày bạn sẽ nhận được bản tin The Economist Espresso qua email. Tôi tin rằng, đây là một cách rất hay để theo dõi những gì đang diễn ra nếu bạn thật sự bận rộn và không có thời gian để chủ động tìm tin.

ĐỌC MỖI BUỔI TỐI

Trong cuốn sách “Tôi tự học”, tác giả Nguyễn Duy Cần- một người cả đời tự học nhờ đọc sách- đã chia sẻ thế này “Người biết đọc sách phải biết dành cho mình một buổi nào để đọc sách trong yên lặng và cô tịch… Suốt một đoạn đời từ 21 tuổi đến nay, tôi đã dành cho mỗi buổi tối ít nhất là hai giờ đồng hồ để đọc sách, khoảng từ 20 – 22 giờ, không bao giờ sai chạy. Giờ ấy đối với tôi cũng như giờ cầu kinh, nhất định không để cho ai quấy rầy”.

Khi đọc xong cuốn sách này của Nguyễn Duy Cần, tôi tự hứa với bản thân mình rằng, tôi sẽ dành ít nhất một tiếng mỗi buổi tối để đọc sách trước khi đi ngủ. Khi nghỉ việc, vì có nhiều thời gian hơn, nên tôi đã dành được khoảng hai tiếng để đọc sách mỗi tối. Tuy nhiên, bạn đừng lo lắng quá nhiều về thời gian, điều quan trọng là BẠN CẦN THIẾT LẬP ĐƯỢC MỘT KHOẢNG THỜI GIAN CỐ ĐỊNH PHÙ HỢP VỚI SINH HOẠT CỦA MÌNH. Nếu bạn có ít thời gian hơn, bạn có thể chỉ cần dành ba mươi phút để đọc mỗi tối. Còn nếu bạn có ít thời gian hơn nữa, chỉ cần mười lăm phút mỗi tối thôi là đã tốt lắm rồi. Đọc một trang sách thôi cũng đã tuyệt hơn rất nhiều việc không đọc gì cả, như tác giả Paustovsky đã từng nói “Bạn hãy đọc sách đi! Và mong sao trong đời bạn sẽ không có ngày nào mà bạn không đọc dù chỉ một trang sách mới”

Vậy đọc sách gì vào buổi tối? Bản thân tôi thích đọc sách phi giả tưởng vào thời gian này, bởi không gian tĩnh mịch xung quanh khiến tôi tập trung hơn. Tuy nhiên đây chỉ là kinh nghiệm của tôi, bạn hãy chọn lựa những loại sách báo để đọc thời gian này sao cho phù hợp với sở thích, và nhu cầu của bản thân nhé!

Vì sao ta nên đọc trước khi đi ngủ? Bởi những hoạt động khác sẽ không có cớ xen ngang vào thời gian này của ta: không có ai mời bạn đi cafe hay party giờ này, có thể bạn đã xong xuôi việc nhà, không gian lúc này trở nên vắng lặng, yên tĩnh hơn.

ĐẶT MỤC TIÊU ĐỌC ÍT NHẤT 20-30 TRANG SÁCH MỖI NGÀY

Dù bận rộn đến mấy, tôi cũng cố gắng đọc được tối thiếu 20-30 trang sách mỗi ngày. 20-30 trang sách là con số vừa phải, và không đáng sợ đến mức làm bạn nản lòng. Chỉ cần khoảng 30-45 phút là bạn có thể đọc xong được khoảng 20-30 trang sách. Khi việc đọc đã trở thành một thói quen, bạn có thể nâng con số này lên 50-100 trang mỗi ngày.

LUÔN MANG THEO SÁCH BÊN NGƯỜI

Để đọc nhiều sách hơn, bạn hãy luôn mang theo sách bên người.

Điều này rất quan trọng, nên tôi xin được nhắc lại một lần nữa: ĐỂ ĐỌC NHIỀU SÁCH HƠN, BẠN HÃY LUÔN MANG THEO SÁCH BÊN NGƯỜI. Hãy coi sách (một cuốn sách giấy, máy đọc sách Kindle, hay Ipad có chưa nhiều sách, vân vân) như ví tiền- thứ mà bạn luôn có trong túi xách/cặp xách của mình.

Bạn có thể đang tự hỏi: Nhưng tôi bận lắm, tám tiếng ở văn phòng, kiếm đâu ra thời gian để đọc đây?

Hãy cứ mang theo sách bên người đi, rồi bạn sẽ thấy có rất nhiều thời gian bạn có thể tận dụng để đọc. Từ khi luôn mang theo sách bên người, tôi không còn cảm thấy thời gian trôi qua vô vị, tôi không còn thấy mình cắm cúi lướt facebook, hay chẳng làm gì cả khi đang xếp hàng trong ngân hàng, khi đợi bạn ở quán cafe, khi đợi ở sân bay, ga tàu nữa. Bởi tôi đã có một cuốn sách để làm bạn rồi

Tôi thường mang theo sách văn học bên mình, và luôn nhắc nhở mình rằng để hoàn thành cuộc sách đó, tôi không được đọc ở nhà mà chỉ tận dụng thời gian trong ngày thôi ^^ .
Tôi nhớ là tôi đã đọc cuốn sách “Kafka bên bờ biển” của Murakami theo cách đó. Tôi đọc cuốn tiểu thuyết này trên chuyến bay từ Singapore về Việt Nam nhưng không thể hoàn thành vì đây thật sự là một cuốn sách dày. Truyện quá hay và bí ẩn nên lúc nào tôi cũng mang nó theo người và đọc bất cứ khi nào có thể.

GHI LẠI SUY NGHĨ VỀ NHỮNG CUỐN SÁCH BẠN ĐỌC

Tôi cho rằng việc viết lại những cảm xúc, suy nghĩ của mình sau khi đọc một cuốn sách có rất nhiều ý nghĩa mà không phải ai cũng nhận ra. Viết cảm nhận về sách giúp ta nhớ lâu hơn nội dung của sách, hiểu sâu sắc hơn dụng ý của tác giả, nâng cao kỹ năng đưa ra ý kiến cá nhân, cũng như trau dồi kỹ năng đọc và viết của bản thân.

Bạn có thể viết lại suy nghĩ, cảm nhận của bạn vào một cuốn sổ hoặc lưu trong máy tính cá nhân để riêng bạn đọc. Bạn cũng có thể chia sẻ cảm nhận về sách lên các trang mạng xã hội của bạn. Dù theo cách nào, tôi tin ta cũng cần có một kế hoạch cụ thể: có thể một, hai cuốn sách một tuần hoặc một tháng. Số lượng sách, và tần suất viết cảm nhận không quan trọng, điều quan trọng ở đây là ta phải luôn bám theo kế hoạch mình đề ra.

Cá nhân tôi khuyến khích việc chia sẻ cảm nhận về những cuốn sách hay trên các trang mạng xã hội. Tôi tin vào những ích lợi to lớn mà việc này mang lại: những cuốn sách bạn đọc sẽ được lan toả đến nhiều người hơn; bạn có trách nhiệm hơn với những gì mình viết và luốn cố gắng viết ở mức tốt nhất có thể; bạn sẽ cố gắng viết đều đặn hơn.

Tôi xin kết thúc bài viết tuần này bằng một danh sách các cuốn sách hay về tự học và đọc sách mà tôi may mắn được đọc. Tôi hi vọng bạn cũng sẽ yêu thích chúng như tôi!

  1. Tập sách của tác giả Thu Giang (Nguyễn Duy Cần), đặc biệt cuốn sách “Tôi tự học”. Là một học giả nổi tiếng miền Nam những năm 1950, nhưng tư tưởng của ông về việc học và đọc sách vẫn có ý nghĩa lớn đối với thanh niên ngày nay. Thật sự, tôi luôn tìm thấy mình trong các trang sách của ông. Cả một đời ông là tấm gương sách chói về sự tự học. Trong tác phẩm “Tôi tự học”, ông đã chia sẻ rằng “Tác giả là người đã vất vả rất nhiều trong con đường học vấn. Trước đây, tác giả là người rất kém về trí nhớ, lại cũng kém cả thông minh và sức khỏe… Sở dĩ sau này có được chút ít học vấn, dù nông cạn đến đâu, cũng đều nhờ công phu tự học cả”. Tôi cũng đặc biệt thích văn phong của ông: Nhẹ nhàng, sâu sắc, điễm tĩnh khiến người đọc cảm thấy thực sự dễ chịu.
  2. Đọc sách như một nghệ thuật của Mortimer J.Adler. Ra đời năm 1940, nhưng cuốn sách vẫn là một tác phẩm kinh điển về cách đọc sách thông minh. Bạn sẽ được tiếp cận với các cấp độ đọc khác nhau: từ đọc sơ cấp, đọc lướt có hệ thống, đến đọc kiểm soát và đọc siêu tốc. Và bạn cũng sẽ học được cách đọc hiệu quả các loại sách khác nhau (văn học, khoa học, triết học, vân vân)
  3. Thú đọc sách của Charles Van Doren. Tôi rất rất thích cuốn sách này, đến mức còn vác theo nó sang tận phía bên kia đại dương để có dịp thì đọc lại. Thông qua cuốn sách, tác giả muốn gửi tặng ta một tấm vé đi ngao du nền văn học, triết học phương tây từ xưa đến nay. Nếu bạn yêu văn học phương tây, đây chắc chắn là một cuốn sách không thể thiếu trên giá sách nhà bạn!

Cảm ơn bạn đã đọc những gì tôi chia sẻ! Chúc bạn một cuối tuần vui vẻ và đọc được những cuốn sách hay^^

Nguồn: SunFlowerFields