Hãy Đọc: Tội ác và Trừng phạt

1277

Cuốn tiểu thuyết Tội ác và Trừng Phạt của nhà văn Nga Fyodor Dostoevsky đã chiếm một vị trí trên giá sách của tôi từ khi nào tôi cũng không nhớ nữa. Chỉ biết rằng mỗi lần dọn dẹp giá sách tôi lại tự nhủ với mình phải cố gắng tìm thời gian đọc cuốn tiểu thuyết này vì đây là một trong những cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời đại theo bình chọn của tạp chí Time. Nhưng vì sự eo hẹp của thời gian và “sự đồ sộ” của sách (những hơn 700 trang), tôi cứ trì hoãn hết lần này đến lần khác. Cách đây hai tuần tôi mới quyết tâm cầm sách lên và đọc. Ngay từ những dòng đầu tiên của Tội ác và Trừng phạt tôi đã bị mê hoặc một cách kỳ lạ. Cứ như vậy trong 2 tuần liền, tôi sống trong thế giới của tác phẩm. Nhiều khi tôi tưởng tượng mình đang bước đi trên đường phố Peterburg quan sát những phận đời mà Dostoevsky đã dùng ngòi bút nghệ thuật sắc sảo của mình vẽ nên.

Lấy bối cảnh năm 1866 tại Peterburg, Tội ác và Trừng phạt là bức tranh thu nhỏ của xã hội Nga thế kỷ 19, một xã hội được vận hành và chi phối hoàn toàn bằng đồng tiền. Nạn nhân của xã hội tôn sùng đồng tiền ấy là lớp người trẻ tuổi nghèo khổ không tiền, không quyền, không địa vị nhưng đầy hoài bão, lý tưởng, khát khao được cống hiến cho xã hội, khát khao đi tìm công lý. Sự bất công ngột ngạt của xã hội đã dẫn họ đến những con đường bất hạnh khác nhau: kẻ thành tội phạm, người đi làm những công việc bẩn thỉu, kẻ phải hi sinh ước vọng của mình để cứu gia đình, vv. Điểm nhấn trong bức tranh thu nhỏ ấy là Raxcolnicov- một sinh viên trường luật thông minh sắc sảo tại Peterburg. Xuất thân từ một gia đình nghèo ở nông thôn, cha mất sớm, mẹ anh không đủ tiền để nuôi cả gia đình. Em gái anh, Dunia, một thiết nữ vô cùng xinh đẹp và thông minh đành phải đi làm gia sư cho gia đình lão Xvidrigailov giàu có trong vùng. Vẻ đẹp và tâm hồn của cô đã gợi lên nhục dục xấu xa trong lão ta. Cô đành bỏ gia đình Xvidrigailov mà đi. Cuộc sống khó khăn của gia đình khiến Raxcolnicov phải bỏ học.

Cuộc sống bí bách tại gian buồng thuê mà tác giả ví như một “chiếc quan tài” đã đè nén tâm hồn Raxcolnicov khiến anh luôn khao khát đi tìm công lý và quyền lực. Say mê triết lý của hai nhà triết học người Đức Hegel và Nietzsche, anh tin rằng con người có thể chia thành hai loại: một loại tầm thường, và một loại người đặc biệt – loại anh hùng có đủ quyền năng để vượt qua mọi luật pháp, có quyền hành động hơn những người khác để đem lại công bình cho xã hội. Ngưỡng mộ thiên tài quân sự Napoleon, anh khao khát trở thành một anh hùng- một Napoleon thứ hai. Tin tưởng vào điều ấy, anh đã đến nhà mụ cầm đồ Alynona giàu có độc ác chuyên hà hiếp người nghèo dùng rìu bổ vỡ sọ mụ ta và cướp vàng bạc. Anh tin rằng mụ già chủ cửa hàng cầm đồ chỉ là một con “rận” trong xã hội, và với số tiền lấy được anh có thể tiếp tục con đường sự nghiệp, giúp đỡ những người nghèo khổ. Trong lúc loay hoay lấy tiền, em gái mụ ta Lizaveta bất ngờ về nhà- anh đành giết luôn mặc dù anh không hề có ý định ấy. Sau khi thực hiện tội ác ấy, chẳng một ngày được hưởng cảm giác là một anh hùng, anh đối mặt với toà án lương tâm của chính mình. Anh như người mất hồn, thất thần, nửa tỉnh nửa mê, cứ đi lang thang trong thành phố, và chìm vào men rượu. Một lần anh gặp Marmeladov, bác chia sẻ với anh về Xonia, cô con gái yêu của bác – một nạn nhân khác của đồng tiền, đã hi sinh phẩm giá và tuổi xuân để làm một công việc hèn hạ lấy tiền nuôi gia đình. Trong anh bỗng dấy lên lòng thương và cảm phục vô bờ bến đối với sự hi sinh và đức hạnh của Xonia. Sau này, anh đã chọn cô để chia sẻ bí mật tội ác và lý tưởng của mình.

Trong lúc ấy Dunia được vợ lão Xvidrigailov giới thiệu cho Lujin- một viên quan cao cấp của ngành toà án ở Thủ đô. Dunia đồng ý lấy hắn vì tin rằng hắn có thể lo cho mẹ cô và cho anh cô học hết ĐH và thậm chí còn có thể tìm cho Raxcolnicov một công việc tốt. Cô và mẹ thuận theo đề nghị của Lujin lên thủ đô sống và để chuẩn bị cho lễ cưới. Tuy nhiên, Raxcolnicov đã vạch trần bộ mặt đểu giả của Lujin kẻ “say sưa thầm ước một người con gái có đức hanh và nghèo- nhất định phải nghèo mới được, rất trẻ, rất xinh, cao thượng và có học thức, rất sợ hãi trước những tai họa dồn dập đã trải qua và hoàn toàn phục tùng ông ta như vị cứu tinh, sùng mộ, quỵ luỵ, thuần phục ông ta..” . Anh nhất quyết không đồng tình với cuộc hôn nhân và sự hinh sinh của Dunia. Chắc mẩm rằng với địa vị, tiền của và sự ban ơn của mình, Lujin không thể tin là Dunia cuối cùng cự tuyệt hắn và hắn bị cả nhà cô đuổi đi.

Không chịu nổi nỗi giày vò dằn vặt của toà án lương tâm, sau chín tháng Raxcolnicov quyết định đến sở cảnh sát thú nhận hành động giết người của mình. Toà cho rằng thần kinh của anh bị kích động nên chỉ phạt anh tám năm tù giam tại vùng Siberi. Trước khi đi thú tội, anh đã tha thiết nhờ Razumikhin- một người bạn thân luôn hết mình vì anh thay anh chăm sóc mẹ và Dunia. Xonia người con gái đầy lòng trắc ẩn và tình yêu thương đã nguyện theo anh đến Sibera, nguyện ở bên anh và là ánh sáng đưa anh trở lại với con đường hướng thiện.

Tội ác và Trừng phạt đã đưa tôi đi qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Có lúc tôi thấy mình rơi nước mắt thương cảm cho cuộc sống của bao phận người trong truyện, tôi không nén nổi cảm xúc khi đọc những dòng “độc thoại nội tâm” của Raxcolnicov- một tâm hồn, một lý tưởng cô độc. Lúc khác tôi lại thấy mình cười “khoái trá” khi Raxcolnicov bằng sự thông minh và sắc bén đã vạch trần những mưu hèn kế bẩn của Lujin- một đại diện điển hình cho đồng tiền trong xã hội. Rồi tôi lại thấy tim mình dâng lên sự khinh bỉ đối với một con người như Xvidrigailov khi hắn tâm sự cho Raxcolnicov về cách mà hắn dụ dỗ tán tỉnh phụ nữ. Khi gập cuốn sách lại, điều đọng lại trong tôi là sự cảm phục đối với tình cảm mà tác giả Dostoevsky dành cho phận người nghèo khổ trong xã hội và sự ngưỡng mộ đối với tài năng phân tích tâm lý con người sâu sắc tinh tế đến kỳ diệu của ông . Có lẽ ta nên gọi ông là một nhà triết học, một nhà tâm lý học đại tài. Bằng tài năng nghệ thuật khéo léo, ông đã xây dựng được con người “nhị nguyên” thông qua nhân vật Raxcolnicov. Một mặt Raxcolnicov là một thanh niên vô cùng khảng khái tốt bụng, yêu thương con người vô bờ bến, và nhạy cảm với mọi nỗi đau của con người trong xã hội. Nghèo là vậy mà anh sẵn sàng đem những đồng tiền cuối cùng để giúp một người bạn học nghèo túng và ho lao, thậm chí còn nuôi bạn 1 học kỳ. Raxconilcov còn không ngần ngại bỏ những đồng tiền cuối cùng để lo ma chay cho bác công nhân nghèo Marmeladov. Trái tim nhận hậu còn giúp anh nhìn ra được phẩm giá của Xonia- một cô gái phải bán mình để nuôi gia đình. Anh ngưỡng mộ chân thành trước sự hi sinh của cô. Anh khóc thương không ngừng trước hình ảnh 1 chú ngựa già yếu bị hành hạ đến chết bởi lũ người man rợ và ác ôn. Mặt khác anh lại sẵn sàng thực hiện một hành vi giết người hết sức man rợ. Là một nhà tâm lý, ngòi bút của Dostoevsky có thể chạm sâu vào đáy tâm hồn của mọi kiếp người nghèo khổ trong xã hội, dù đó là một người mẹ, một người vợ, một người cha, hay là một con người phức tạp như Raxcolnicov.

Quả thực đây là một tác phẩm khá khó đọc, nhiều đoạn tôi phải đọc đi đọc lại mới hiểu được dụng ý của tác giả. Nhưng tôi tin rằng đây là một trong những tác phẩm văn học hay và sâu sắc nhất tôi đã từng đọc. Và thật lạ, dù tác phẩm đầy những nỗi thống khổ, tôi lại thấy mình mỉm cười khi đóng cuốn truyện lại. Tác giả đã cho tôi thấy rằng tuổi trẻ dù ở thời đại nào cũng luôn tràn đấy những ước vọng, hoài bão và lý tưởng. Để rồi tôi thấy rằng mình thật may mắn khi được sinh ra trong một thời đại văn minh hơn, tiến bộ hơn. Tác phẩm như tiếp thêm sức mạnh cho tôi theo đổi ước mơ của mình. Tội ác và Trừng phạt cho chúng ta hiểu rằng trong nhiều mối quan hệ giữa người với người nên chấp nhận mặt tốt để cùng sống, cùng chia sẻ, hãy luôn nhìn vào những mặt tốt của con người, và hãy bớt hoài nghi. Hãy tin vào con người!