Tình yêu cần đến sự nỗ lực, nhưng không có nghĩa là phải-chịu-đựng

1323

Nội dung

Mọi mối quan hệ đều cần sự nỗ lực, nhưng không phải nỗ lực nào cũng tốt cho mối quan hệ, và cho cả chính bạn.

Một trong những thứ khiến tôi cứ mãi lưỡng lự khi quyết định dứt khỏi một mối quan hệ tồi tệ, và khiến tất cả chúng ta chìm đắm trong những mối bòng bong chẳng đi tới đâu, chính là hai câu nói tưởng là đúng, nhưng hoàn toàn sai:

“Mọi mối quan hệ đều cần cố gắng” 

Và từ đó sinh ra một mệnh đề khác:

“Ai yêu nhau mà chẳng cãi nhau đôi lần”.

Tôi nhớ lại vài mối quan hệ trước đây của tôi, đặc biệt là mối tình gà bông thời trung học. Tôi yêu bạn ấy rất nhiều. Chúng tôi chưa từng cãi vã; chuyện yêu đương hồi ấy sao mà đơn giản thế. Hai người yêu nhau chưa phải lo nghĩ đến cưới xin hay cơm áo gạo tiền. Vũ trụ của chúng tôi thu nhỏ lại chỉ bằng những câu hỏi: “Lát đi ăn ở đâu?”, “Tối nay xem phim gì?”, “Anh gác máy trước nhé” và hàng nghìn câu nói: “Anh yêu em”.

Nhưng không cãi vã, liệu đã phải là một mối quan hệ dài lâu?

Tôi biết rằng mình sẽ chẳng thể sống cô quạnh cả đời với chó mèo. Tôi muốn, rất muốn có một người bạn đời trưởng thành. Một người khiến tôi nghiêm túc nghĩ đến gia đình. Một người chia sẻ mọi niềm cảm hứng với tôi, mọi khó nhọc trong cuộc sống. Một người muốn nhiều hơn là chỉ chung sống cùng tôi dưới một mái nhà, ăn cùng một bữa, ngủ chung một giường.

Tôi biết, để có được tất cả những điều trên – một mối quan hệ trưởng thành, bạn phải học cách chấp nhận khuyết điểm của đối phương. Và khuyết điểm đó chính là những cuộc cãi vã và kinh khủng hơn thế – sự thiếu tôn trọng.

“Cặp đôi nào cũng cãi nhau mà”, đúng, nhưng không phải cuộc cãi vã nào cũng tốt cho mối quan hệ.

Sự coi thường là báo động đỏ cho một mối quan hệ. Hằn học cũng là một báo động. Gọi nhau bằng tên thật thay vì “anh yêu”, “em yêu”, chỉ trích, mỉa mai, “chiến tranh lạnh” là những báo động ầm ĩ cho một sự rạn nứt.

Nghe có vẻ hiển nhiên, mà cũng có vẻ mơ hồ. Nhưng tôi có thể hiểu được điều này cho dù đang ở tuổi 18, 28 hay 58. Có một vài lần tôi thầm nghĩ: “Làm gì có chuyện mình ghét nổi người yêu”, và cũng có lúc tôi nghĩ: “Mọi người đều có lúc căm ghét bạn đời của mình”.

Không bao giờ cãi nhau, không phải là một dấu hiệu của mối quan hệ lâu dài. Nhưng cãi nhau quá nhiều thì càng hông.

Cặp đôi nào cũng sẽ có lúc buồn chán. Bất kỳ ai đang yêu cũng sẽ có bất đồng quan điểm, giận dữ và cãi vã. Và bạn chỉ nên duy trì một mối quan hệ có cãi vã, nếu chúng đáp ứng đủ những tiêu chí sau đây:

#1: Cãi vã không làm tổn thương bạn

Bạn có thể nóng giận, nặng lời với người yêu. Nhưng khi màn đêm buông xuống, hãy “review” lại mọi hành động và lời nói của mình, gói ghém những cảm xúc sang một bên để biết cái gì quan trọng hơn: việc ai đúng ai sai hay tương lai của hai bạn. Và điều quan trọng là, đừng cãi nhau đến mức cả hai cùng đau.

Tuy nhiên, nếu bạn đau, đau thật sự, đừng cố gắng thuyết phục bản thân mình vượt qua nỗi đau ấy để tiếp tục tạo điều kiện cho những người làm đau bạn.

Yêu là phải vui, yêu là phải hạnh phúc. Đau thương là gia vị thiết yếu của tình yêu, nhưng chúng không nên chiếm quá ¼ chuyện tình của bạn.

Đời không phải lúc nào cũng màu hồng. Nhưng khi bạn nhìn vào bức tranh toàn cảnh, bức tranh đó buộc phải có nhiều màu hồng hơn là những gam màu u tối khác.

>> Xem thêm: Muốn sống trọn thanh xuân, …

#2 Tình yêu nên “chủ động” và “duy trì” chứ không phải là đối phó và “chữa cháy”

Mọi chuyện tình đều cần sự nỗ lực. Và bạn cần phải cảm thấy mình đang nỗ lực một cách dễ dàng, bình tĩnh, mọi nỗ lực hiện tại phải là viên gạch xây đắp cho tương lai. Trong đó, “nỗ lực” chính là làm những điều bạn yêu thích trong yên bình; chứ không phải là nỗ lực nhặt nhạnh từng mảnh vỡ sau một trận cãi vã nảy lửa; hay nỗ lực xoa dịu người bạn đời đã chịu quá nhiều tổn thương.

Đừng phụ thuộc lẫn nhau, đừng thao túng nhau, đừng chiến tranh lạnh. Đừng nghĩ mình là một người yêu tuyệt vời chỉ vì bạn luôn xin lỗi và giảng hòa trước. Chính sự nhún nhường của bạn đang khiến mối quan hệ này ngày càng đi xuống.

#3 Nếu buộc phải nỗ lực, hãy nỗ lực 100% vì tình yêu

Chiếc xe máy là tài sản yêu thích nhất của tôi, là thứ đầu tiên tôi sẽ lao vào cứu nếu nhà tôi bốc cháy. Cũng chính chiếc xe này đã mang lại cho tôi quá nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Đúng thật, đời không phải lúc nào cũng chỉ có nắng mai và cầu vồng. Tôi rong ruổi trên chiếc xe của mình cả trong những ngày mưa. Tôi có thể đi liền 18 tiếng đồng hồ hay lượn lờ ra đầu ngõ trong vòng 10 phút. Xe hỏng thì tôi sửa. Và tôi làm tất cả những việc đó với một nụ cười, không tức giận, không hằn học.

Quả thật là lái xe trong cơn mưa không dễ chịu như trong một ngày nắng đẹp. Sửa xe cũng không thú vị bằng việc cưỡi lên nó. Nhưng tôi yêu chiếc xe nhiều đến nỗi sẵn sàng bỏ qua những thứ này và coi nó chỉ như quãng nghỉ của một niềm đam mê. Và tình yêu cũng như vậy. Bạn nỗ lực để xây dựng, vun đắp, gìn giữ nó. Chứ đừng nỗ lực để phải chịu đựng.

Nguồn: Đời sống