Thương lắm bánh xèo nấm rơm

1101

Chiều muộn. Chuyến xe cuối ngày chòng chành vượt Đèo Le, xuôi về miền thung lũng Nông Sơn. Cảm giác yên bình đến khó tả. Trên xe, tiếng nhạc du dương ru hồn người vào những yên bình, giản dị “qua nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê…. lúa gặt rồi để lại rơm thơm”.

Phía chân trời lác đác những ruộng lúa chín muộn trĩu bông vàng ươm, rung rinh trong gió như những cơn sóng lăn tăn giữa đại dương bao la. Là đà trên mặt đất những khói đốt đồng thảnh thơi theo gió. Những đống rơm to điểm tô trên cánh đồng trơ rạ. Cảnh làng quê sau mùa gặt yên bình đến nao lòng. Tiếng trẻ con cười đùa, tranh nhau hái nấm rơm trên đồng làm tôi dứt mạch suy nghĩ. Tuổi thơ chợt ùa về, sống cả một trời thương nhớ, không khói đồng lọt vào mà khóe mắt cay cay.

Tuổi thơ của chúng tôi sinh ra trên gốc rạ. Ở mỗi cánh đồng in hằn cuộc sống của những đứa trẻ diễn với chăn trâu, thả diều, gặt lúa, tắm sông,… Bạn tôi, đứa nào đứa nấy gầy nhom, đen nhẻm, cùng nhau lớn lên với chuỗi ngày cơ cực. Mỗi độ tháng ba về, cánh đồng được gặt sạch, rơm rạ chất thành đống, chờ trời mưa giông, bà con mới dọn dẹp và gieo sạ vụ mùa mới. Những cộng rơm thơm nồng, vàng ươm, nằm nép mình vào lòng đất mẹ, được những cơn mưa giông tưới tắm giọt nước mát lành. Qua những ngày nắng to ủ ấm, cộng rơm vàng lại ôm ấp, nuôi dưỡng những cây nấm trắng tinh, mập mạp. Rơm chuyển thân mình làm phù sa trả ơn lại cho đất mẹ. Bọn con nít chăn trâu chúng tôi, thích nhất là trời mưa giông, chia nhau đi kiếm tre, ôm rơm rạ làm chòi, cùng nhau chui vào nấp mưa, tránh gió. Trong cái chòi bé tí ấy, bao câu chuyện về tương lai được chúng tôi vẽ nên đầy màu sắc tươi đẹp. Cuối chiều, chúng tôi lại đi bới những đống rơm, tranh nhau hái nấm rơm về cho mẹ nấu canh, xào tỏi, hay sang trọng hơn là đúc bánh xèo. Một đặc sản không miền quê nào có được.

Nấm rơm đầu mùa, cây nào cây nấy mập mạp, trắng trẻo. Mẹ mang nấm rửa sạch, cạo bỏ phần đất dưới rễ, cho vào thau bột để đúc bánh. Để có bánh ngon, mẹ chọn những hạt gạo lúa mới to tròn, xay thật mịn, nêm gia vị vừa phải, cho nấm vào trộn đều và đúc bánh. Và, có lẽ bánh xèo phải đúc bằng bếp củi, ăn mới đúng vị. Gạo lúa mới, nấm rơm đồng hòa vào nhau tạo thành một hương vị đặc trưng, thơm nức xóm. Mỗi lần mẹ đúc bánh xèo, anh em chúng tôi lại chực chờ bên bếp lửa, đợi được thưởng thức miếng bánh xèo nóng hổi khi bên ngoài mưa còn rơi nặng hạt. Cảm giác ấy mãi theo anh em chúng tôi đến suốt cuộc đời.

banh xeo chay

Ngọt ngào hương vị bánh xèo nấm rơm đầu mùa

Bao giờ cũng vậy, những cái bánh xèo lúa mới đầu tiên, mẹ cho vào đĩa, đặt lên bàn thờ tổ tiên. Mẹ cẩn trọng thắp nén nhan, cảm tạ trời đất, ông bà đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Dân giã, yên bình. Tuổi thơ của những đứa trẻ chân quê chúng tôi giàu sang qua từng trang ngọt ngào như vậy.

Xe lăn bánh, trời vừa chuyển giông. Ừ nhỉ? Cái lệ tháng ba mưa giông vẫn vậy. Tiếng chuông điện thoại reo. Lòng chợt vui sướng khi mẹ bảo đang đúc bánh xèo nấm rơm cúng mùa lúa mới. Lại được vui vầy bên gia đình, tận hưởng cảm giác yên bình nơi làng quê, những bon chen tất bật nơi thị thành tạm gác lại. Lại mơ tưởng chiều nay, thương lắm vị ngọt bánh xèo nấm rơm mẹ đúc…

Nguồn: VH-NT Nông Sơn