Chữ nghĩa trong bia mộ ở xứ Quảng

Nhiều năm gần đây, với sự gia tăng thu nhập, nhiều người đã góp tiền của để cùng họ tộc xây dựng nhà thờ, tu bổ mồ mả và nhiều cơ sở thờ tự khác làm nổi bật nội dung chữ nghĩa trong bia mộ

1282

Nhiều năm gần đây, với sự gia tăng thu nhập, nhiều người đã góp tiền của để cùng họ tộc xây dựng nhà thờ, tu bổ mồ mả và nhiều cơ sở thờ tự khác. Cùng với sự phong phú về vật liệu kiến trúc, các tiến bộ kỹ thuật vi tính đã được tận dụng để làm đa dạng thêm hình thức văn khắc trên bia, mộ; nhờ đó, nhiều nội dung tưởng nhớ và ngợi ca người đã khuất đã được đưa vào văn bia, bài minh, trụ biểu… ở mồ mả, song trong đó có không ít những điều cần bàn.

Một tấm bia “chữ vỏ đậu” có hiệu Việt cổ trên một ngôi mộ ở TP.Tam Kỳ.

Bia mộ xưa

Các kiến trúc mộ (vôi) xưa nhất của người Việt hiện còn trên đất Quảng Nam được lập vào khoảng đầu thế kỷ 17 – tương ứng với thời kỳ chúa Nguyễn Hoàng vào dựng nghiệp ở vùng Thuận Quảng. Các mộ vôi ấy được xây bằng vôi bồ ghè – một hỗn hợp mà theo lời truyền từ xưa là được trộn bằng vôi, cát và nhớt bời lời. Không kể các lăng mộ người trong gia đình các chúa Nguyễn và một số quan lớn, các kiến trúc mộ còn lại thường đơn giản: gồm một nấm hình ô van được bao quanh bằng một huynh mộ hình móng ngựa mở ra trước chân mộ thành hình cuốn thư. Đó là cách kiến trúc đơn giản, phù hợp với sự thô ráp của vật liệu; do vậy ít thấy khắc chìm hoặc đắp nổi các câu đối có nội dung tưởng niệm. Bù lại, các tấm bia này thường rất bền chắc, qua hàng trăm năm vẫn còn rõ chữ, một phần do chất liệu đá được chọn rất tốt, phần khác do chữ khắc rất sâu vào bia. Chữ nghĩa trên bia mộ xứ Quảng vào các thế kỷ 17, 18 thường ít phô trương, chỉ cốt ghi lại một số thông tin cơ bản về người đã khuất. Các tấm bia này thường ghi hai chữ “Tống Sơn” hoặc “Việt cổ” ở đầu nội dung.

Bia mộ ghi chữ Tống Sơn (宋山) là mộ của các viên chức, quan lại – (có thể đoán đó là) những người ở vùng Tống Sơn – Thanh Hóa theo chúa Nguyễn vào Đàng Trong dựng nghiệp. Bia mộ ghi chữ Việt cố (越故 – người nước Việt đã khuất) được lập thời Gia Long – khi xưng quốc hiệu là Việt Nam – có kiến trúc nhiều chi tiết hơn và bia mộ cũng nhiều chữ hơn; có khi khắc cả câu đối ở hai bên thân bia – cá biệt có bia mộ Việt cố được khắc kiểu chữ nổi thường được gọi là kiểu chữ vỏ đậu. Nội dung văn khắc trên các bia mộ loại này thường giản dị; chỉ cốt sao thể hiện những thông tin tối thiểu về quê quán, tên húy, tên hiệu, tên để thờ (thụy hiệu) của người trong mộ, hướng mộ và thời điểm dựng bia cũng như tên con cháu lập bia mộ.

Đến thời vua Minh Mạng (1820 – 1840), cùng với việc xưng quốc hiệu là Đại Nam, các bia mộ cũng được đổi tên thành Nam cố (南故) thời kỳ đầu hoặc Đại Nam (大南) từ giữa thế kỷ 19 về sau. Các mộ và bia mộ thời kỳ này thường bề thế hơn do vật liệu xây dựng đã được cải tiến đáng kể. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa Nho giáo, các nội dung văn khắc trên bia mộ xứ Quảng – cũng như cả nước – đã phong phú hơn nhiều. Trong quá trình sưu khảo văn bia thời kỳ này ở nam Quảng Nam, chúng tôi đã tìm thấy nhiều câu đối được viết rất hàm súc – trong đó có vận dụng nhiều thành ngữ, điển cố hàm chứa nhiều tầng nghĩa rất sâu. Cá biệt, do con cháu đang làm quan hoặc đang là địa chủ, nhà buôn khá giả, nên đã lập nhiều mộ, bia có bài minh rất dài được khắc trên các tấm bia lớn ở đầu mộ nhằm xưng tụng đạo đức và năng lực người đã khuất với lời lẽ thống thiết và hoa mỹ. Ví dụ như tấm bia mang nội dung khóc mẹ (hiện còn ở huyện Phú Ninh) của ông Phan Văn Xưởng – người xã Khánh Thọ, huyện Hà Đông xưa. Ông này đỗ cử nhân từ năm 18 tuổi, khi còn trẻ đã từng giữ chức quan rất quan trọng (ngự sử thời vua Thiệu Trị). Bài văn khóc mẹ này đã được ông tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ – một người hay chữ ở vùng Hội An xưa “duyệt chính”. Điều đó cho thấy: thời thịnh của Nho học, việc nhờ người có khoa bảng cao “xem và duyệt lại” nội dung chữ nghĩa trong văn không chỉ dừng ở những sáng tác văn chương trên giấy mà còn ở cả văn khắc trên bia nữa.

Bia mộ gần đây

Nửa đầu thế kỷ 20, sau khi bãi bỏ khoa cử chữ Nho, chữ Quốc ngữ được dùng rộng rãi. Nhưng hầu hết nội dung văn khắc trên bia vẫn dùng chữ Nho để thể hiện –  một phần do truyền thống vốn có từ lâu đời, phần khác xuất phát từ việc những người chuyên viết giúp văn bia vẫn chưa thoát ly được nền nếp của việc học cũ. Việc chữ Quốc ngữ được dùng rộng rãi để viết văn bia chỉ từ tháng 8.1945 về sau. Tuy vậy vẫn còn nhiều bia mộ dùng chữ Nho – nhất là các bia được trùng tu theo nội dung cũ. Cùng với đó, việc viết các câu đối trên bia, mộ đã dần chuyển sang nội dung “thuần Việt”. Ví dụ, mộ một vị cao đời thuộc tộc Nguyễn ở gần nghĩa địa Gò Trầu (thôn Bích Ngô, xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành) có tấm bia xi măng được lập đầu thập niên 1960 với bài minh viết bằng chữ Nôm cùng hai câu đối ghi bằng Quốc ngữ giản dị mà đầy ý nghĩa:

1/ Một nấm giữa trời ghi sự tích / Trăm năm trong họ rõ nguồn cơn.

2/ Bia khắc rõ ràng trên đất Bích / Khói hương nghi ngút dưới trời Ngô (tên địa phương Bích Ngô được dùng ở hai từ cuối của các vế đối).

Bia đúc xi măng và nội dung thể hiện bằng chữ Quốc ngữ là đặc điểm của bia mộ ở Quảng Nam ở thời kỳ này.

Gần đây, cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, sự trở lại của việc sử dụng bia đá (Non Nước, Thanh Hóa…) cùng với kỹ thuật ốp đá granit trên mộ và kỹ thuật chế bản vi tính bằng bộ gõ tự dạng chữ Hán – Nôm đã đưa vào các nghĩa địa nhiều kiến trúc bia mộ tân kỳ, hoành tráng – nhiều khi rất phô trương – không chỉ ở kiến trúc mà còn ở nội dung chữ nghĩa. Khuynh hướng thể hiện văn bia bằng tự dạng chữ ô vuông (chữ Nho, chữ Nôm) trong nội dung văn khắc ở bia mộ – đặc biệt ở những ngôi mộ xưa được trùng tu – đang được dùng khá nhiều. Đang có xu hướng “mến mộ” việc dùng chữ Nho vào việc khắc các câu đối trên bia, mộ; điều đó có thể dẫn đến những điều không tiện: Hiện nay, người biết chữ Nho không nhiều, người có thể viết câu đối chữ Nho sao cho có nét riêng càng hiếm. Vì thế, việc dùng các câu đối trong các tuyển tập câu đối bán khá nhiều ngoài hiệu sách và đăng tràn lan trên internet đã dẫn đến tình trạng lạm dụng câu đối và văn bia chữ Nho ở nhiều nghĩa địa; đi đâu cũng gặp nhiều câu na ná nhau – trong đó có nhiều câu “sáo ngữ”. Đó là chưa kể, nhiều người “cho chữ” khả năng không cao, lại thêm nhiều thợ làm bia mộ kiêm luôn nghề chế bản văn bia, khi gõ chữ Nho, chữ Nôm – do không rành tự dạng và nghĩa của từ – đã gõ và khắc sai tự dạng trầm trọng khiến cho nhiều nội dung thờ tự, tôn vinh đã không được thể hiện đúng như mong muốn của người “xin chữ” để dựng bia, xây mộ.

Thiết nghĩ, việc khắc bia mộ bằng tiếng Việt với nội dung nêu những thông tin chính về người đã khuất là việc đáng làm; nếu muốn thể hiện thêm các câu đối, cũng nên viết bằng tiếng mẹ đẻ. Nếu ưng dùng câu đối có tự dạng “chữ ô vuông” cho đẹp thì viết câu đối tiếng Việt và thể hiện bằng tự dạng chữ Nôm. Điều đó không hề khó đối với những người có học hành và biết kỹ thuật vi tính.